Chăm sóc chào mào hót đầy đủ nhất

Chào các bạn ! Bài viết này sẽ hướng dẫn chăm sóc chào mào hót đầy đủ nhất dành cho các bạn chơi chim chào mào: Hướng dẫn cách chăm sóc chào mào hót, tắm táp cho chào mào, chọn cám tốt cho chào mào, chăm lửa và giữ lửa cho chào mào.

Chăm sóc chào mào hót đầy đủ nhất

Chăm sóc chào mào hót

Chăm sóc chào mào hót toàn tập

#1. Chăm sóc chào mào

Nuôi chim chào mào khỏe mạnh chỉ là nền tảng ban đầu để hưởng thụ cái hay, nét đẹp của chúng. Chơi chim chào mào thường có 3 kiểu chơi : Nghe hót, đấu giàn và đi bẫy. Thì bước đầu tiên bao giờ cũng phải chăm sóc tốt, chú chim đó cái đã, sau ta mới chơi theo khuynh hướng phù hợp, với chú chim hay, sở thích của bản thân ta được. Giờ đến việc thế nào là chăm sóc tốt, cho chú chim cưng mà ta đã chọn mặt gửi vàng, ở đây tôi nói tới chim mộc dở và thuộc. Nhiều người vẫn lầm tưởng, chăm tốt là mang lại mọi thứ đầy đủ, tốt đẹp nhất đến cho chú chim cưng, tôi xin ví dụ như táo nửa quả, sâu miệng cóng. Chim ăn được gì là thoải mái thì thôi. Như vậy thì độ ổn định của chim không thể cao được, chim phần lớn bao giờ cũng sẽ ưu tiên hoa quả, rồi đến mồi tươi, và cuối cùng là cám. Hàng ngày hoa quả, và mồi tươi không thể ngày nào cũng giống nhau được, dẫn đến điều hiển nhiên là, phong độ của chú chim sẽ thay đổi. Vậy làm sao để chú chim ổn định, nhất là trong buổi sáng thời điểm mà ta thường đi dãi hay đi bẫy, cốt lõi ở đây cuối cùng là cám, còn mồi tươi và hoa quả chỉ là phần bổ sung thêm dinh dưỡng, và giúp tiêu hóa tốt hơn thôi. Nhiều người chia sẻ công thức chăm như sau, mồi tươi ăn sáng chiều, hoa quả ăn cách ngày, hay ngày hoa quả, ngày mồi tươi. Nhưng tôi thường cho những chú chim của tôi, sáng mồi tươi, trưa hoa quả, chiều mồi tươi, đều đặn hàng ngày. Vì theo tôi cám như cơm, hoa quả như rau, mồi tươi như thịt, tốt nhất là nên cung cấp hàng ngày.Nếu có thời gian, bạn cứ đều tay như vậy ngoài 2 tuần, là bạn sẽ thấy chú chim có phong độ tốt và ổn định hơn.

Đều tay 1 thời gian ta thấy chú chim ổn hơn trước, hót hét đều hơn trước, đấu đá cũng bắt đầu đi lên, nhưng tại sao vẫn có cảm giác là chú chim không thể bứt được lên, chưa thể hiện được hết khả năng của mình, xin thưa là cám.

Theo cá nhân tôi, 1 chú chim hay thì 50% do tố chất của con chim, 20% do tay chăm, 20% do cám, và 10% là may mắn thuận lợi từ yếu tố bên ngoài. Với 1 đôi tay điều chim chuẩn,1 cái đầu lạnh nhưng đầy khoa học, cộng với cám tốt, chú chim của bạn chắc chắn sẽ có bứt phá hơn. Xin chia sẻ với bạn, 1 số trường hợp khá thú vị mà tôi từng gặp.

Anh kỹ sư tên Hoàng, trước có làm kỹ thuật tại chung cư trước cửa nhà tôi, thời gian của anh gắn liền với cái dự án 24 tầng ngoài 2 năm trời. Trong thời gian đó, tôi được gặp những chú chim của anh, những chú chim mà giờ tôi vẫn luôn mong sẽ được sở hữu. Cám anh dùng đơn giản chỉ là Ba Vì, nhưng ngược lại với loại cám đơn giản đó, lại là những chú chim rất dữ, chim không căng hẳn nhưng lại khá bền. Sau để ý thì thấy lịch làm việc của anh rất khắt khe, nên chim cò cũng đều như vắt chanh, là chỉ có cám, thi thoảng mới được con dế, miếng hoa quả. Trong khi đó chim của tôi cám ngon, hoa quả và mồi tươi, ăn còn đổi khẩu vị theo bữa, nhưng khi cho kè đấu, thì chim của tôi luôn thua. Vậy ở đây cái tố chất, cộng với tay chăm đều đặn, dù là chưa thật tốt nhưng vẫn có thể, hơn cám ngon cộng với tay chăm ngẫu hứng.

Một câu chuyện khá vui nữa, đó là bữa lâu có ngồi dãi chim với mấy bạn hay chơi, có bác khiến cả nhóm bật cười vì câu nói,có điều kiện mà để chim khổ cũng thấy không đành, chả là chim bác ý chơi được lúc thấy đuối đuối, liền hạ xuống nhét nửa quả táo mỹ còn nguyên tem vào lồng, rồi tự hào rằng, chim nhà tôi ngày nào cũng quả táo với cóng sâu đầy. Cũng bởi vì cách chăm như vậy, con chim chơi chỉ được lúc đầu sau là hết lực, và bộ lông sâu không được đẹp.

Câu chuyện đưa đẩy chốc lát lại khiến tôi nghĩ đến cám, thứ mà ngay từ những ngày đầu tập tành, tôi đã luôn phải suy nghĩ. Cám trước kia các bạn rất coi nhẹ, chỉ đơn giản là cám Thúy Tuấn, hay ba vì đập vài quả trứng xao lên là xong, nhưng càng ngày yêu cầu và mong muốn càng nâng cao, nên những bài cám phức tạp đã ra đời. Hiện nay trên thị trường có vô số các loại cám mới, khiến nhiều người chưa có kinh nghiệm đau đầu, vì thử cám mới chim tụt lửa, cái sai lầm lớn nhất là ở chỗ, các bạn hay bị ảnh hưởng bới xu hướng đám đông. Một loại cám mới ra đời kèm theo những lời PR rất hay, khiến bạn hết kiên nhẫn với cám cũ, vội đổi dùng thử loại cám mới.

Tôi từng gặp những chú chim, trong 1 tháng ăn liên tiếp 3 loại cám khác nhau, kết quả là chim điểm lông và bỏ đấu. Tôi khuyên các bạn nên chọn những loại cám uy tín, đã có tên tuổi và có thâm niên để dùng cố định cho chú cưng của mình, bởi vì cám và lông là đôi bạn thân. Nhìn bộ lông là ta có thể nhận biết được phần nào thể trạng của chim, độ nóng, độ chất của cám chú chim đang ăn. Nhiều bạn luôn thắc mắc là tại sao, cứ hễ đổi cám là phần lớn chim thường thay điểm, hoặc trút hẳn bộ lông của chúng, xin thưa đó là bản năng sinh tồn, giúp chim thích nghi và tồn tại. Khi đổi cám mà loại cám cũ, và cám mới có độ đạm và độ nóng gần như nhau, thì chim có thể thích nghi dễ dàng hơn, còn khi có độ chênh lệch về độ đạm hoặc độ nóng, thì chắc chắn chim sẽ thay lông để thích nghi.

Riêng tôi thời gian rảnh, thì lại thích lọ mọ tự làm cám cho những chú chim của mình. Bởi lẽ 3 năm trước đây chỉ có Ba Vì, Thúy Tuấn là sẵn nhưng tôi thử nhẫm thì với 8.000 đồng được 5 lạng và 13.000 đồng được 1 lạng cám Thúy Tuấn, trừ chiết khấu cho cửa hàng đi thì quả thật là cám quá rẻ, không thể đủ chất. Tự mình làm tôi mới có cảm giác yên tâm, vì với tôi chẳng ai làm tốt cho mình hơn mình cả, từ đó những lần thử nghiệm, những mùa thử nghiệm cũng đã trôi qua, và dần cũng có chút thành quả.

Nhớ những lần đầu làm cám, nhiều mẻ do quá lửa bỏ nguyên vào sọt rác, nhìn mướt mát mồ hôi mà thấy nản, hay những lần loay hoay mãi để đùn hạt cám ra làm sao cho đều, cho đẹp, làm sao để rút ngắn thời gian sấy, để giữ tối đa chất trong cám .Cũng may mắn là xung quang có nhiều người cùng đam mê, chia sẻ những kinh nghiệm qúi giúp tôi hoàn thiện hơn bài cám của mình, quan trọng nhất là tự tôi ổn định được cám cho chim ăn .Thành phần chính tôi dung là ngũ cốc , gạo, đậu nành, đậu xanh, lạc trộn thêm tôm, nhộng, trứng vịt lộn, lòng đỏ trứng gà, khoáng và 1 số gia vị. Bài cám này để mà tính hơn thua, thì tôi chưa dám nghĩ nhưng để thỏa cái tai cái mắt của tôi, thì tôi cũng phần nào ưng cái bụng.

Hạt cám luôn vàng tươi, và thơm mùi nguyên liệu trong cám, nếu các bạn để ý thì sẽ thấy, chim thích ăn những loại hoa quả hay cám có màu sắc tươi tắn hơn là thâm xám.

Lông phải đen óng, mượt mà, xếp thon gọn ôm sát thế mới đạt, nhìn con chim lăng xăng nhanh nhẹn và tràn đầy năng lượng. Xin chia sẻ với các bạn 1 số kinh nghiệm nho nhỏ. Khi đã chọn được loại cám mà chim ăn mình thấy ưng ý. Thì nên duy trì và cho ăn đều đặn. không nên nghe người này người kia nói, mà thay đổi quá nhiều loại cám, khiến cho đường tiêu hóa của chim gặp vấn đề. Nếu xác định dùng lâu dài, thì nên điều chim theo cám, chứ không nên vội vàng thay đổi cám, cám nóng thì ăn thêm hoa quả mồi tươi, cám nhạt thì tăng mồi tười.

Và 1 vấn đề nho nhỏ mà có lẽ nhiều người không để ý tới, đó là cùng 1 loại cám, nhưng những mẻ khác nhau đôi khi vẫn có thể hơi lệch nhau về độ chất và độ nóng, do quá trình thu mua nguyên liệu, tươi ngon hay đã ôi. và quá trình sấy cám. quá tay hay chưa chín tới, cám chưa khô. Cám dùng cho chim ăn, thường được căn trong 3 – 4 tuần, trong thời gian này cám đã mất chất dần, do oxy hóa, vì vậy mỗi lần cám gần hết nên mua cám mới về trộn lẫn, rồi cho chim dùng sẽ tốt hơn là, hết hẳn rồi cho chim ăn cám mới luôn.

#2. Thế nào là cám chào mào tốt?

Cám là thức ăn duy trì sự ổn định, là then chốt trong việc giữ lửa của chim, vì thế cám ngon đơn giản là 1 loại cám, phải ổn định và luôn cung cấp cho chim đủ dinh dưỡng. Nhìn lông chú chim mà đen óng, mượt, xếp thon gọn và ôm sát, chim chơi ổn định bền bỉ thì loại cám đó đạt. Tránh những loại cám nhìn đã toàn hạt ớt, hoặc những loại cám mùi hương liệu,dùng hóa chất để tạo mùi.

[button-red url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348612071997496404?url=https%3A%2F%2Fshopee.vn%2Fsearch%3Fkeyword%3Dc%C3%A1m+ch%C3%A0o+m%C3%A0o%26page%3D0%26ratingFilter%3D5%26sortBy%3Drelevancy” target=”blank” position=”center”]ĐẶT MUA CÁM CHẤT LƯỢNG GIÚP CHÀO MÀO CĂNG LỬA[/button-red]

Cách nhận biết cám quá nhiều chất nóng

Hai năm trở lại đây, tôi cũng thường thử nghiệm những chú chim khác nhau, ăn 1, 2 loại cám khá nổi trên thị trường để xem tốc độ ngấm cám, thời gian chim ổn định với cám mới, thời gian đạt lửa với cám mới. thì tôi thấy 1 điều rất thú vị là để đạt độ căng của con chim, thì tùy từng loại cám, mà ta điều con chim với những cách khác nhau. Ở đây tôi muốn bạn nên nhìn nhận rõ ràng hơn, về cám nóng, và cám chất, hay cụ thể hơn là độ nóng, và độ chất của 1 loại cám, để ta điều chim cho chuẩn hơn. Tôi nói thế bởi vì sao? Vì tôi thường thấy muốn con chim căng nhanh, các bạn đều thúc sâu chứ không phải thúc cào cào tươi, hay dế, và tất nhiên kết quả là không ít những chú chim đấu sục sạo được lúc, rồi tắm hoặc rỉa lông.Ta nên xem lại thành phần trong cám mà mình cho chim ăn, có phụ gia mang tính nóng như ớt, sâu, hay không, hầu như các loại cám đấu đều có phụ gia mang tính nóng, để chim sung mãn hơn, vì thế để chim nhanh đạt lửa, chơi ổn định thì sâu không phải là lựa chọn số 1, mà nên bổ sung chất sẽ tốt hơn, như châu chấu, dế. Còn nếu cám chất nhưng mà lành ít nóng, thì ta vẫn bổ sung thức ăn mang tính nóng, như sâu, trứng kiến, ớt đà lạt.cho chim ở mức độ phù hợp, để chim được sung hơn.

Các bạn nên nhớ rằng, khi dùng cám nóng, hay thức ăn bổ sung mang tính nóng, cũng chỉ đưa con chim lên độ sung tạm thời, và nếu không điều chuẩn để cân bằng, thì hậu quả rất khôn lường. Tôi từng gặp những chú chim ăn cám nóng, thời gian đầu căng lên nhanh trông thấy từng ngày, nhưng chỉ một vài tuần sau đó, tôi lại thấy vẫn chú chim đó nhưng ở 1 bộ dạng hoàn toàn trái ngước. bỏ đấu , ít hót, lông sơ, đường ruột có vấn đề. Vậy nên tôi lại nhắc lại 1 câu mà ai cũng đã biết, nhưng đôi khi nóng vội nên quên, đó là Giục tốc bất đạt.

Khi cám quá nóng, chứa nhiều ớt, kì tử, sâu. dấu hiệu nhận biết đầu tiên là chim nhảy nhiều, sục sạo, bức lông, uống nhiều nước, hay tắm khan nếu nhìn kĩ thì sẽ thấy lông chim bị xơ. ta nên cho tắm đều đặn, và hoa quả mồi tươi thường xuyên.

Khi cám nhiều chất quá, chim không thể tiêu được thì thường có dấu hiệu phân lỏng, hoặc bón cục màu thâm đen, các bạn lưu ý là phân chim ăn chuối để lâu cũng chuyển màu đen nhé, tránh nhầm lẫn, nhẹ thì chim khó ị, nặng thì đi ngoài xù lông bỏ ăn,nó gần như rối loạn tiêu hóa ở người, ta nên tăng chế độ tập luyện, dãi dợt tránh phủ áo lồng quá lâu để chim thích nghi, hấp thụ được hết chất trong cám và hoa quả đều đặn.

 Cách đổi cám cho chim chào mào.

Nếu không thể duy trì được cám cũ của con chim, thì ta mới nên đổi cám, nếu chim vừa thay lông xong, thì quá đẹp các bạn cứ trộn dần cám mới vào, còn nếu chim lông lá vẫn đang đẹp, thì nên trộn ít thôi duy trì trong 5 – 6 ngày mới trộn nhiều hơn chút, và cứ như vậy cho đến khi 100% cám mới, nghe có vẻ hơi cẩn thận quá, nhưng nó sẽ hạn chế cho chú chim bị lạ cám thay lông.

Tránh cho chim ăn thẳng cám mới, vì đã có rất nhiều chú chim hóc lông, thay điểm thời gian dài, khó đạt lửa do không thích nghi được với loại cám mới.

Nếu thấy chim có hiện tượng sốc cám như đi ngoài, xù lông, bỏ ăn thì nên ngưng việc trộn cám, tăng hoa quả,nhất là các loại quả gần chín, rất tốt cho đường tiêu hóa của chim.

Nếu đang ở tháng 7 – 8, thì không nên đổi cám, vì thời gian này lông chim cũng đã khá yếu, việc thay cám thường đi liền với việc xuống lông.

Chào mào đi phân sống?

Rất rất nhiều người đang nhầm lẫn việc chim bị đi ngoài, và hiện tượng sống phân,còn gọi là phân nát ở chim, cứ thấy phân chim lỏng, là các loại thuốc các bài chữa, khiến cho vấn đề của chú chim ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đi ngoài biểu hiện rõ nhất ở chim là ăn ít, dần dần bỏ ăn, xù lông phân đi ra dịch lỏng màu vàng, màu xanh rất hôi, thường là nửa ngày hoặc qua đêm là chim sẽ chết do mất nước, kiệt sức.

Sống phân, phân nát. các bạn hình dung như hạt cám dầm với nước, phân lỏng nhưng chim vẫn ăn uống khỏe mạnh như bình thường, do chim chưa thích nghi được với loại cám mới, hoặc nếu vẫn cám cũ chim hay ăn, thì mẻ cám mới chưa chuẩn,chưa chín tới,sấy cám chưa khô để mau hỏng. Trường hợp này thì nhiều bạn đã dùng ngay thuốc tây đi ngoài của người lớn, những loại thuốc này thường rất đắng, chim bất đắc dĩ mới uống, còn phần lớn là không uống,hoặc các bài chữa rất lạ, nhưng theo tôi đơn giản chỉ cần quả chuối tây ương, hoặc quả hồng xiêm ương cho ăn kèm là được, một số bạn dùng thử men tiêu hóa của trẻ em, cũng đã thành công, thời gian cho ăn thì tùy thuộc vào cơ địa của con chim, nhưng thường thì 5 – 6 ngày là ổn rồi. Không nên để quá lâu vì, hoặc là chim tự ổn định và thích nghi được cám mới, không thì rất dễ chuyển thành đi ngoài.

Kết thúc những vấn đề xung quanh về cám, tôi chỉ khuyên là duy trì ổn định loại cám uy tín, mà mình tin dùng.Thể trạng con chim cưng có gặp vấn đề như thế nào đi nữa, thì cũng nên xem kĩ lại là do mình, hay do cám, vân vân. Nhiều chú chim tụt lửa, các bạn phần lớn nghĩ ngay là do cám, do con chim không hay, mà không mấy ai nghĩ là do tay chăm của mình cả. Con chim nào cũng vậy, dù là ở vùng miền nào đi nữa, thì bản thân nó có những cái hay cái đẹp, cái ưu cái nhược riêng, các bạn nên qúi trọng và hiểu nó, như vậy chơi mới bền được.

#3.Cách chăm lửa và giữ lửa cho chào mào

Giữ lửa và kinh nghiệm mang chim đi đấu giàn, theo tôi là phần ít những bài viết chia sẻ nhất, phần lớn những bài viết bây giờ chú trọng vào nuôi dưỡng, hoặc có thì cũng rất đơn giản sơ sài, vì hiện nay vẫn còn mâu thuẫn nhiều trong những kinh nghiệm các bạn chia sẻ cho nhau. Người thì nói đi dãi về không nên tắm sẽ mất hết lửa, người thì nói ăn sâu rồng rất là tốt chim căng mà không bị nóng, người thì lại nói là cám của a A này rất là tốt, ăn vài ngày là chơi tốt luôn, không mất thời gian chăm, hoặc ăn dế thì chim không lên được lửa, nuôi lâu sẽ hỏng ruột, mờ mắt.

Tôi nghiệm lại rằng, hình như các bạn mắc bệnh cập nhật quá nhanh, mà đôi khi mới chỉ là nghe thế thôi, rồi truyền tai nhau chứ chưa biết thực hư ra sao. Nhiều lần cà phê nghe các bạn nói chuyện mà tôi giật mình, vì những gì nghe được, thôi thì mỗi người 1 ý chưa biết đúng sai ra sao, tôi vẫn xin chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm nhỏ, đúng sai thế nào cũng mong các bạn góp ý, để chúng ta cùng hoàn thiện hơn.

Làm thế nào để chim có lửa?

Chú chim nào cũng vậy, dù mộc dở hay thuộc để có được một thể trạng tốt thì ta nên tập lực cho chúng hàng ngày. Nếu không gian nhà bạn cho phép, thì bạn nên có một lồng tập lực đủ rộng, để chim thỏa sức bay nhảy, còn không thì có những loại lồng 6 – 7 vanh, cũng giúp chim cải thiện được vấn đề sức khỏe. Đây chính là nền tảng giúp chim đạt lửa, vì khi được tập lực chim ăn khỏe hơn, sức bền tốt hơn. Hay những ngày chim căng quá, mà ta không thể đi dãi, thì lồng tập lực cũng là 1 nơi xả lý tưởng. Với những chú chim tụt lửa của bạn bè, tôi lấy về gột, thì điều đầu tiên tôi làm là tập lực cho chúng, và khi thể trạng đã ổn định lại, tôi mới quyết định là nên giữ nguyên hay đổi cám. Thời gian tập lực thì tùy từng chú chim, và tùy thể trạng thời điểm đó mà ta cho tập nhiều hay ít, những chú chim cứng tôi cho tăng dần thời gian tập, từ 30 phút lên dần dần và dừng lại ở 2 giờ mỗi ngày.

Khi tập lực đều trong vòng 2 – 3 tuần, lúc này chim đã săn chắc, thon gọn hơn, và cần một lượng chất nhiều hơn để đáp ứng được những giờ bay nhảy trong a vi, nhưng cung cấp như thế nào cho hợp lý, thì lại là một vấn đề cần thời gian theo dõi, để đáp ứng phù hợp cho từng chú chim. Thường buổi sáng tôi chỉ cho chim ăn mồi tươi, với số lượng vừa phải, ăn nhiều quá vào buổi sáng chim thường ì ạch, ít hót hơn. Với những chú chim của tôi, thì sáng xả còn chiều sạc, buổi chiều là quãng thời gian chim nghỉ ngơi, và nạp năng lượng nhiều nhất, mồi tươi hoa quả tôi thường cho sau khi chim vừa tắm xong vào buổi trưa. Các bạn nên chú ý việc ăn uống của chim, vì đi dãi hoặc tập lực chim tiêu tốn rất nhiều năng lượng, nếu không cung cấp đủ chim sẽ suy chơi kém bền.

Số lượng mồi tươi cung cấp cho chim có lịch dãi, hoặc tập lực đều đặn là khá lớn, nhiều bạn không dám cho ăn nhiều sợ chim đi ngoài. Tôi ví vui những chú chim của chúng ta như những vận động viên chạy ma ra tông, và bất ngờ là lượng ca lo họ cần gấp 4 lần người bình thường, cũng đồng nghĩa với việc họ phải ăn nhiều những loại thức ăn, có lượng chất rất cao. Vì vậy nên tùy thể trạng, và đường tiêu hóa của từng chú chim, mà ta cung cấp tối đa lượng chất qua cám, qua mồi tươi cho chim, và đương nhiên là luôn cần hoa quả để giúp chim tiêu hóa tốt hơn. Tôi sẽ không nói số lượng rõ ràng là bao nhiêu con dế, bao nhiêu con châu chấu. vì còn tùy thuộc vào từng cách chăm, và thể trạng của từng chú chim, nên không thể máy móc được. Các bạn cứ thử để chim ăn thoải mái nhé, số lượng chim ăn chắc các bạn sẽ khá bất ngờ, và từ đó các bạn tự ước lượng những gì chim cần.

Nếu chim được tập lực, và ăn uống ổn định trong vòng 1 – 2 tháng, lúc này chim đã bắt đầu có lửa, ta cũng bắt đầu cho chim đi dợt dãi để lên và giữ lửa. Trong thời gian này nên thường xuyên thay đổi mồi tươi để chim ăn tốt hơn , thỉnh thoảng cũng cho ăn 2, 3 con sâu để tạo hưng phấn cho chim,tránh lạm dụng quá.

Cách giữ lửa cho chào mào

Khi chim đã bắt đầu có lửa, ta nên giữ nguyên chế độ tập luyện trong a vi, và bắt đầu mang chim đi dợt. Khi mới đi dãi tránh những con đang căng lửa, nên để cạnh những con ngang bằng , và nhỉnh hơn chim của mình một chút thôi, để chim bắt nhịp được với cuộc chơi. Các bạn mới đi giàn thì còn khá rụt rè chưa tự tin đảo lồng khi chim mình thua nước, đó chính là nguyên nhân tại sao đi chơi về mà chim ít hót hẳn, bị như vậy nhiều lần chim nhác đấu, và thường bỏ đấu khi gặp chim cứng hơn. Các bạn nên gạt bỏ cái ngượng ngùng buổi ban đầu đó đi, chim thua nước ta đảo sang cạnh con ngang cơ, cho chim bắt nhịp lại, ai cũng vậy thôi và con chim nào cũng vây thôi, đều có cái bỡ ngỡ ban đầu, ta nên bỏ cái sĩ diện để rút ngắn thời gian bắt nhịp giàn dãi.

Tập lực và đi giàn tốt thì giờ chắc chắn các bạn đã rất thích rồi, vì chim cưng dở hết chiêu trò ra thể hiện, nhưng làm thế nào để duy trì ngọn lửa đó đều đặn. Không ít bạn nóng mặt vì hôm thì em nó như lắp pin, hôm thì lại rất lờ đờ, mặc dù không ngại ngần con nào trên giàn cả. Vấn đề đó chính là sự ổn định của cám, mồi tươi, tay chăm, lịch đi dãi. Vấn đề cám ngon và mồi tươi phải ổn định, chắc là các bạn đã quá thông rồi , nhưng có những việc tưởng như rất đơn giản, mà lại ảnh hưởng khá nhiều tới nết chơi của chim.

#4. Chế độ tắm táp cho chào mào.

Trước hôm đi dãi, thì ta nên để chim tập lực nhẹ khoảng 30 phút, hoặc có thể nghỉ, cho chim ăn uống tắm táp bình thường, và tăng mồi tươi giảm, bớt hoa quả. Nên treo chim riêng một góc để chim sung hơn. Hiện nay khi đi dãi hoặc trong các cuộc thi chim, rỉa lông về thẩm mỹ và điểm số đều bị đánh giá kém, mặc dù chim chơi rất hay nhưng rỉa trong vòng đấu là hạ, vì thế việc tắm cho chim là rất quan trọng.

Tôi vẫn thường tắm cho chim hàng ngày, kể cả trước ngày đi dãi hoặc đi thi, nhiều bạn cho rằng làm như vậy con chim sẽ mất lửa, nhưng suy đi ngẫm lại thì lửa ở đây hiểu là cái độ căng, độ sung mãn của con chim, chứ đâu phải lửa đun, lửa đốt mà lại sợ nước. Còn khi đi dãi về nên cho chim nghỉ ngơi, và ăn nhẹ hoa quả khoảng 1 giờ – 2 giờ sau mới cho tắm nước, vì chim cũng như người vậy, vừa chơi thể thao về cơ thể rất mệt, tắm nước khiến thay đổi thân nhiệt đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp dẫn tới hiện tượng choáng, đột tử .Đây cũng chính là nguyên nhân các bạn thắc mắc, là sao chim khỏe mạnh bình thường vừa mới tắm xong, hoặc vừa từ trong nhà treo ra ngoài chim đã co giật, hắt xì liên tục, bại chân…rồi chết.

Nhiều bạn chia sẻ rằng, khi đi dãi về không được tắm nước cho chim, vì như vậy chim cũng sẽ mất hết lửa. Theo tôi đây chính là nguyên nhân của bệnh rỉa lông khi đấu, nó cũng gần giống kinh nghiệm 2, 3 ngày tắm cho chim 1 lần để giữ lửa. Thử nghĩ rằng tôi và bạn đi đá bóng về, mồ hôi nhễ nhãi, quyết tâm không tắm để giữ lửa của trận bóng hôm nay, thì chúng ta chịu được không ạ. Chắc chắn sẽ rất khó chịu do hôi hám và ngứa ngáy. Chim cưng của chúng ta cũng vậy thôi, kể cả không cho tắm chúng cũng tắm khan không cần nước. Nếu cho chim tắm nước hàng ngày thì bạn sẽ thấy là có hôm tắm rất sâu, có hôm thì chỉ cần rũ nước vài cái là xong,và hiện tượng mất lửa mà các bạn hay nói sau khi cho chim tắm, đó chính là do khâu làm khô lông của chim.

Tốt nhất là tắm vào buổi trưa từ 12 giờ – 2 giờ, khi tắm xong nếu có nắng ta nên phơi 5 – 10 phút cho ráo lông, rồi treo chim vào nơi thoáng mát cho chim nghỉ, nếu không có nắng thì vẫn treo chỗ thoáng có gió nhẹ 15 – 20 phút để giúp bộ lông mau khô hơn. Nhiều bạn do vội đi làm, tắm ù cái là cất chim ngay trong nhà, hoặc phủ áo như vậy thời gian tự làm khô lông của chim là rất lâu, nhiều hôm ẩm trời mất cả buổi để làm khô lông, hoặc nếu các bạn tắm vào buổi chiều tối, thì lông không thể khô được,ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ của chim. Các bạn đều biết là tắm xong là thời gian mà chim trau truốt lại bộ lông, đó là tập tính có từ ngoài thiên nhiên, và gần như 1 bản năng sinh tồn.

Lúc chim tắm cũng là lúc nguy hiểm nhất, do lông chim ướt không thể bay thoát thân nhanh được, vì vậy khi lông còn chưa khô thì chim chưa thể yên tâm kiếm ăn, đấu đá, luyện giọng được. Thế nên nhanh hoàn thiện được khâu khô lông, cũng đồng nghĩa với giúp chim có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, ăn uống, luyến giọng. Trước ngày đi dãi mà bộ lông chưa được khô ráo, chắc chắn hôm sau chim sẽ rỉa và đấu không được sâu, đây chính là hiện tượng mà các bạn gọi là mất lửa ở chim.

#4. Chế độ ngủ nghỉ cho chim

Đây cũng là 1 việc tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng ảnh hưởng mạnh đến phong độ của chim. Chỗ treo chim ngủ gần nơi con người sinh hoạt, hoặc gần ti vi, máy giặt, cục nóng điều hòa, bóng điện sáng quá. đều làm chim không ngủ yên giấc được. Khi phủ áo lồng kín tưởng chim đã ngủ, nhưng thực ra chúng vẫn thức, vì không phải như chúng ta buồn ngủ là ngủ được ngay, bản năng sinh tồn của chim không cho phép như vậy.Vì thế tốt nhất là có 1 khoảng không đủ yên tĩnh, thoáng mát để chim có thể ngủ thật sâu.

#5. Chăm sóc chào mào thay lông

Đa phần các bạn đều muốn chim của mình thay lông thật nhanh, để mau được chơi lại, nhưng chính cái tâm lý đó vô tình làm hại đến chú chim cưng của mình. Hiện nay đang có nhiều loại cám thay lông được pê rờ là rất tốt, lông rơi rất nhanh, nhưng theo kinh nghiệm bản thân tôi tự làm cám thấy rằng, chỉ cần hạ lượng chất trong cám xuống là chim rơi lông rất nhanh, còn khi giữ nguyên cám chim hay ăn bình thường, thì lông rơi chậm hơn. Với tôi việc thay lông quá nhanh, cũng đồng nghĩa với việc bộ lông đó không hoàn chỉnh 100% được.

Chắc hẳn bạn nào cũng mê mệt bộ lông rừng của những chú bổi mới đánh về, bông đào rất đỏ và lông đen óng mượt, nhưng bạn có tự hỏi là vì sao, dù không được cung cấp 1 chế độ dinh dưỡng cao, như khi ở trong lồng nuôi. Đó là do điều kiện sống phải bay đi tìm thức ăn, đấu đá giữ thung, chim không trút lông 1 loạt rồi mọc ngay lông mới được, mà quá trình thay lông diễn ra khá lâu. Đó cũng chính là nguyên nhân mà vì sao chim nuôi lồng thay bộ lông rừng bao giờ cũng lâu nhất, còn khi đã qua 2, 3 năm lồng thì thời gian trút lông rút ngắn hơn.

Qua theo dõi mấy mùa chim ăn cám do tôi tự làm, chim thay lông đạt nhất là khi lông cứ rơi đều đặn theo đợt, đợt mới bắt đầu rơi tiếp, là khi lông rơi đợt cũ đã mọc được 1/3 – 2/3, và chim vẫn khỏe mạnh nhanh nhẹn bình thường, thậm chí vẫn ché được. Ta hình dùng rằng cũng trong khoảng thời gian như nhau, chim nuôi dưỡng 2, 3 sợi lông mới chắc chắn, sẽ tốt hơn là phải nuôi dưỡng 9, 10 sợi lông mới. Với tôi chim thay lông cũng chế độ nuôi dưỡng tập luyện như bình thường, chỉ tránh ăn đồ nóng, đấu đá và tập luyện quá sức.

Tôi thường thả sang lồng rộng hơn, hoặc vẫn thả a vi tập lực ,nhưng thời gian và số buổi tập ít hơn, chỉ khoảng 3 buổi 1 tuần, qua thời gian theo dõi tôi thấy, nếu duy trì như vậy chim vẫn khỏe mạnh nhanh nhẹn, và lông thay rất đều đặn. Nhiều bạn không tin là khi thay lông con chim vẫn nhanh nhẹn lăng xăng, và ché chét bình thường, nhưng đó lại là điều mà tôi vẫn thấy được ở từng mùa thay lông của chim nhà. trong quá trình thay lông, khi chim chớm rơi lông ta nên cho chim ăn nhiều loại hoa quả mát, tránh những loại mang tính nóng, và cung cấp lượng mồi tươi vừa phải, để chim trút lông dễ dàng hơn, còn khi chim trút lông đã sâu thì ta nên cung cấp lượng mồi tươi nhiều hơn, để chim có bộ lông óng mượt.

Tắm nước hàng ngày rất tốt cho chim thay lông, thỉnh thoảng ta vẫn nên phơi nắng để lông chim đẹp hơn, tránh ủ chim trong thời gian dài, hoặc kích thích quá mạnh để lông chim rơi nhanh hơn. Muốn có bông đào đỏ đẹp thì ngoài cám đủ chất, ta còn cần cung cấp thêm các loại hoa quả có màu đỏ, hồng như cà chua, đu đủ, cà rốt hấp…nhưng nó cũng chỉ đáp ứng được 90% thôi, nhiều bạn cầu kì còn bổ sung thêm dầu gấc hoặc bột giữ màu cho hồng yến….

Bài viết cũng đã khá dài, hi vọng nó sẽ giúp các bạn hiểu biết sâu hơn về cách chăm sóc chào mào hót. Chúc các bạn luôn vui khỏe và giữ lửa đam mê của mình.

Share

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.